Trôi về từ thượng nguồn sau mấy đợt lũ, những khúc củi, thân cây gỗ vô tri với cái tên mộc mạc “củi lũ” ngỡ chừng chỉ còn giá trị làm củi nhóm bếp. Nhưng ở một góc Hội An, củi lũ đang được hóa thân qua một vòng đời khác – những tác phẩm điêu khắc mang thông điệp của nghệ thuật và môi trường.
Chúng tôi gặp Lê Ngọc Thuận trong xưởng gỗ ở Hội An (Quảng Nam) vào những ngày cuối năm 2022, khi vợ chồng anh và nhân công tất bật chuẩn bị tham gia những sự kiện văn hóa, nghệ thuật chào đón năm mới. Hơn 2 năm nay, xưởng mộc rộng chừng 250m2, nằm cách bờ biển An Bàng gần 2km là nơi ra đời của những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật bằng gỗ, đặc biệt là nguyên liệu đặc trưng được anh gọi tên “củi lũ”. Riêng trước thềm năm mới Quý Mão 2023, xưởng đã chế tác hơn 100 bức tượng mèo – con giáp của năm, con số này gấp chục lần so với số tượng linh vật hổ năm ngoái.
Chỉ tay vào những bức tượng mèo bằng gỗ sinh động, được điêu khắc công phu với đủ hình thái, hoa văn sặc sỡ, anh Thuận cho biết những chú mèo gỗ này được góp mặt tại triển lãm “Con đường nghệ thuật và sáng tạo” do UBND thành phố Hội An tổ chức ở vườn tượng An Hội nhân dịp chào đón năm mới 2023 và triển lãm “Mèo du Xuân” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam diễn ra tại Thủ đô Hà Nội trong dịp cuối năm 2022. Những bức tượng mèo được bán với giá 1-2 triệu đồng đến trên cả chục triệu đồng/con. Không chỉ có tượng mèo, trong xưởng còn tượng hổ, tượng chuột… và nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo khác được tạo nên từ những khúc củi lũ.
Là người làm du lịch tích cực theo hướng đẩy mạnh du lịch xanh, du lịch cộng đồng, anh Thuận hình thành ý tưởng về tái chế gỗ thành tác phẩm nghệ thuật từ trước thời điểm Covid-19 xuất hiện. Thời điểm đó, khách ghé homestay, nhà hàng của anh Thuận không khỏi ấn tượng với những bàn, ghế, chén, đĩa, lọ hoa… được tái chế từ bàn tay ông chủ. Khi những nhà hàng của mình ngưng trệ hoạt động do ảnh hưởng Covid-19, anh lại tình cờ có thêm thời gian cho những khúc củi lũ.
Củi lũ trôi về Hội An từ thượng nguồn sông Thu thường trở thành nguyên liệu đun nấu của người dân địa phương. Lê Ngọc Thuận nghĩ khác, anh ra cửa sông nhặt nhạnh, gặp bà con để thu mua củi lũ. Củi làm tượng phải cứng, không được quá mục, được xử lý, làm sạch, vẽ tạo hình… trước khi được con người “thổi hồn” thành những bức tượng đa chủ đề. Khi là bức tranh, khi là những con cá gỗ treo lanh canh trước gió biển… Mấy công đoạn nghe qua ngỡ chừng đơn giản nhưng phải đến khi “mục sở thị” mới hiểu bàn tay người thợ phải lắm công phu, từ vẽ, cắt, đục, đẽo, sơn màu đến chà nhám để tạo nét cũ xưa…
“Có những tượng, anh em ở xưởng làm lâu nhất cũng phải mất 1-2 tuần tùy theo độ cầu kỳ về hoa văn và hình dáng, không đơn giản để thành hình. Mọi thứ ở đây đều là tự mày mò, tự học, tôi tham khảo bạn bè, sách vở đây đó. Mỗi người, mỗi nơi lại học một chút rồi vừa làm vừa lấy kinh nghiệm”, anh Thuận chia sẻ. Tự nhận mình là tay ngang bởi chưa từng học qua điêu khắc ở trường lớp, “mỗi nơi một chút” với anh Thuận là cả một hành trình dài bôn ba đi khắp nơi học nghề, tìm hiểu, tham quan, đầu tư máy móc và nhân công. Anh về làng mộc Kim Bồng tìm thợ cùng tham gia chế tác, từ trầy trật ban đầu cũng thành hình thành khối. Từ gốc củi thô kệch mà nên nét vuông, nét tròn…
Nỗ lực cũng ra thành quả. Năm rồi, anh là nghệ sĩ “ngoại đạo” duy nhất trong bộ tứ thực hiện triển lãm mỹ thuật “Con giống” gồm: Lê Thiết Cương, Lê Minh Trí, Lê Ngọc Thuận, Vũ Hữu Nhung. Trong khuôn khổ triển lãm xuyên Việt được diễn ra ở các thành phố như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An và Thành phố Hồ Chí Minh này, Lê Ngọc Thuận góp mặt bằng bộ sưu tập tác phẩm điêu khắc gỗ với hình voi, rồng, trâu, gà trống, bồ câu… được tạo hình hiện đại trên nền văn hóa truyền thống vùng cao của người Cơ tu ở Quảng Nam. Tất cả đều từ củi lũ.
Anh tâm niệm, những tượng gỗ nghệ thuật này không phải món dễ bán. “Cái mình kinh doanh là kinh doanh câu chuyện và thông điệp tái sinh khúc củi lũ vô tri thành tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là sản phẩm mỹ nghệ bày bán đơn thuần. Từ đó, góp phần gìn giữ nghề mộc truyền thống ở Hội An và truyền tải tinh thần văn hóa, nghệ thuật và bảo vệ môi trường bền vững cho cộng đồng hiểu. Tất cả giá trị đó hội tụ ở những bức tượng này”, anh Thuận cho hay.
Theo anh Thuận, thị trường của tượng củi lũ hiện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều đối tác đặt mua nhưng anh chưa có suy nghĩ bán số lượng lớn, trước mắt tập trung sản xuất, định hình thị trường và nguồn khách, đồng thời trưng bày tượng tại các điểm kinh doanh du lịch của gia đình để… kể câu chuyện “tái sinh củi lũ” một cách gần gũi, lan tỏa nhất đến mọi người.