loader image

News

Người tái sinh củi lũ thành tác phẩm nghệ thuật

Những thanh gỗ mục, xấu xí trong mùa mưa lũ từ thượng nguồn trôi về tấp vào bờ biển tưởng chỉ để làm củi đun đã được anh Lê Ngọc Thuận biến thành những tác phẩm nghệ thuật.

Khởi nghiệp từ củi mục vớt trong lũ

Anh là Lê Ngọc Thuận (SN 1980, trú tại phường Cẩm An, TP Hội An) vẫn thường được gọi tên Thuận “Củi lũ”. Hiện anh làm chủ một quán cà phê nhỏ và nơi đây trưng bày hàng trăm tác phẩm từ gỗ, củi lũ (gỗ, củi bị cuốn theo dòng nước lũ từ thượng nguồn về xuôi – PV) mà anh cùng những người thợ đã thổi hồn vào.

Từ những gốc củi mục, nghệ nhân tay ngang Lê Ngọc Thuận chế tác thành tác phẩm nghệ thuật.

Anh Thuận chia sẻ, năm 2012, thấy trên mạng internet có những đồ thủ công mỹ nghệ nhỏ nhắn, xinh xắn, đồng thời, trong quá trình kinh doanh dịch vụ homestay, anh đã nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp với nghề thủ công mỹ nghệ, chế tác những vật dụng nhỏ, đơn giản như khung gương, đèn ngủ, móc treo quần áo, bàn ghế cho khách ngồi… từ những thanh củi.

Những khi mùa lũ đi qua, những thanh gỗ mục, những gốc cây từ thượng nguồn trôi ra biển và bị sóng đánh dạt vào bờ tưởng chỉ để làm củi đun nấu nhưng với cái nhìn khác lạ, anh Thuận lượm củi về chất trong nhà làm nguyên liệu, khi nào cần và có khách đặt là làm ngay.

“Củi lũ tấp vào bờ biển, mình chỉ tốn công lượm và chi phí chở về. Sau đó, chế tác thành những vật dụng có ích, thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị về văn hóa, kinh tế và ứng dụng rất thực tiễn”, anh Lê Ngọc Thuận chia sẻ.

Lúc đầu, anh Thuận làm ra những sản phẩm để tự phục vụ trang trí homestay của mình, khi khách biết tìm đến đặt hàng, anh lên mạng tìm sản phẩm và chế tác theo yêu cầu của khách.

Lê Ngọc Thuận thừa nhận mình chỉ là tay ngang, nhưng với niềm đam mê về nghệ thuật, anh tự mày mò tìm hiểu và dần hoàn thiện tay nghề. Những thanh củi, gỗ mục vô tri vô giác được anh “thổi hồn” thành những tác phẩm nghệ thuật.

“Những thanh củi lũ được chế tạo thành tác phẩm có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cho mình. Khi mô hình được nhân rộng, nhiều thợ, nghệ nhân cùng làm với mình cũng được hưởng lợi”, anh Thuận kể

Biến những thanh củi mục thành sản phẩm giá trị

Anh Thuận chia sẻ, bản thân đã tự học, tự mày mò và chế tác sao cho sản phẩm có hồn. “Phải đặt tâm hồn mình vào từng thanh củi rồi mới có cảm xúc, có câu chuyện. Mình tái sinh lại những khúc gỗ để nó có đời sống mới, có cảm xúc thay vì đốt bỏ”, anh Thuận lý giải về cái “nghiệp” với gỗ mục của mình.

Từ những nguyên liệu ban đầu tưởng như phế phẩm, anh và những người thợ của mình sáng tạo hình khối, sau đó với bàn tay khéo léo của nghệ nhân, thanh củi mục thành hình những sản phẩm có tính nghệ thuật, tính ứng dụng trong đời sống.

Linh vật hổ được chế tác cách điệu.

Mỗi tác phẩm từ củi lũ của anh là một tác phẩm riêng, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Việc chế tác phụ thuộc vào cảm xúc, vào điều kiện thực tế, chứ không phải như làm công nghiệp vì từng công đoạn đều làm thủ công. Mỗi sản phẩm từ đó có một đời sống riêng.

“Ngồi ngắm những sản phẩm dần thành hình, tôi cảm thấy thư giãn, như có thể chữa lành tâm hồn”, anh Thuận chia sẻ về những đứa con tinh thần của mình

Đối với anh, không chỉ dừng lại ở việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ củi lũ mà phải đưa sản phẩm lên một tầm cao mới, lồng ghép văn hóa bản địa vào trong từng sản phẩm, “bán câu chuyện, bán văn hóa, giá trị, bán cả linh hồn và đôi tay của nghệ nhân”.

Có sản phẩm chỉ vài trăm nghìn đồng, cũng có những sản phẩm được làm công phu, có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng nhưng anh Thuận khẳng định, giá trị về tinh thần của sản phẩm lớn gấp nhiều lần giá trị về vật chất.

Anh cho rằng, bước đầu sản phẩm chưa thể tính được bằng tiền nhưng anh rất vì vui nó mang lại giá trị về tinh thần, truyền đi một năng lực tích cực cho cộng đồng.

Những sản phẩm của anh được hiện thực hóa từ cuộc sống, như bình đựng tăm, hộp đựng giấy, rất thực tế và gần gũi. Khi đó, sản phẩm tung ra thị trường không quá xa lạ để khách hàng dễ tiếp cận.

Khi đã thành công bước đầu, anh lan truyền cảm hứng của mình ra cộng đồng. Không chỉ với củi lũ, anh còn liên hệ với bà con ở vùng cao thu mua gốc quế, hay những gốc gỗ khác.

“Ban đầu mình có nguồn tài chính, mình muốn đem câu chuyện ra cộng đồng thì mình phải đầu tư, hướng dẫn bà con về nguyên liệu và cách chế tác. Tiếp đó, định hướng tìm đầu ra để có khách hàng tiếp cận, có thị trường cho sản phẩm của bà con làm ra”, anh Thuận “Củi lũ” nói.

Anh cũng chia sẻ, 2 năm dịch xảy ra, cơ sở du lịch của anh đóng cửa vì không có khách, lúc này anh tịnh tâm và tập trung vào công việc chế tác.

Mỗi mùa mưa lũ đi qua, anh Thuận cùng đồng nghiệp đi lượm củi về để làm nguyên liệu.

Bộ sưu tập tác phẩm từ củi lũ của anh khoảng vài trăm sản phẩm. Từ những sản phẩm này, anh để cho khách trải nghiệm, thấy được giá trị để yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Hiện anh đang viết đề án xin TP Hội An làm công viên nghệ thuật tái chế và chuẩn bị hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm cho các resort, sau đó đưa sản phẩm cho các làng nghề, đưa sản phẩm đấu giá gây quỹ ủng hộ bà con khởi nghiệp.

0
    0
    Your Cart
    Your cart is emptyReturn to Shop